NGÀNH THÉP MỚI “LE LÓI” SÁNG

Giá cổ phiếu thép bật mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng các lò luyện thép mới “le lói sáng” trong quý cuối năm sẽ sáng đèn nhiều hơn khi thị trường bước vào năm 2023.

Thị trường chỉ… bớt xấu

Tuần trước, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) – nhà sản xuất đang chiếm 34% thị phần cả nước – đã tăng giá bán lẻ thép cây và thép cuộn xây dựng thêm 150.000 đồng/tấn. Đồng thuận với xu hướng giá sản phẩm thép, thị giá cổ phiếu ngành này đã phục hồi đáng kể so với mức giá đáy đã được thiết lập trong tháng 11 và tiếp tục kéo dài đà tăng.

Trên các hội nhóm chứng khoán có tin đồn về việc Hòa Phát sẽ xem xét mở lại 1 trong số 4 lò cao đã dừng từ tháng 11, nhưng đến thời điểm cuối tháng 12/2022 chưa có thông tin chính thức nào từ phía doanh nghiệp về động thái này.

Do nhu cầu thị trường giảm mạnh, Hòa Phát hiện chỉ duy trì sản xuất 3 lò cao và 1 lò điện. Sản xuất của doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất phản ánh bức tranh khó khăn của ngành thép vẫn đang diễn ra. Mặc dù giá bán lẻ tăng nhẹ trở lại, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Về các yếu tố đầu vào, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Úc ngày 9/12/2022 giao dịch ở mức khoảng 230,25 USD/tấn FOB, giảm mạnh 71,75 USD/tấn so với đầu tháng 11/2022. Tuy nhiên, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/12/2022 giao dịch ở mức 110,45 – 110,95 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 22,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11/2022.

Trong tháng 11/2022, thép phế nội địa tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg, giữ mức từ 8.200 đến 9.200 VND/kg. Giá thép phế liệu loại HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 350 – 366 USD/tấn CFR Đông Á từ cuối tháng 11 – những ngày đầu tháng 12/2022, giảm 28 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11/2022.

Nguyên liệu sản xuất thép cơ bản chững lại đà giảm và tăng nhẹ trở lại giúp các doanh nghiệp giảm bớt nguy cơ lỗ do trích lập dự phòng giảm giá nguyên liệu. Đồng thời, tỷ giá USD/VND đã nguội bớt với mức tăng chỉ còn khoảng hơn 3% so với đầu năm, thấp hơn so với mức tăng trên 5% thời điểm giữa tháng 11/2022.

Như vậy, so với thời điểm cuối quý III/2022 thì các yếu tố tiêu cực khiến doanh nghiệp ngành thép lỗ là trích lập giảm giá hàng tồn kho và trích lập dự phòng tỷ giá USD đã nhẹ hơn. Tuy nhiên, cầu yếu vẫn là gánh nặng lớn nhất và chưa có dấu hiệu giảm bớt khi thị trường bất động sản gần như đóng băng, thị trường xuất khẩu suy giảm do giá trong nước cao hơn giá khu vực và lãi suất cao khiến nhu cầu xây dựng của người dân giảm mạnh.

Trong tháng 11/2022, sản xuất thép xây dựng vẫn tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do một số công ty thép cắt giảm sản xuất. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11/2022 đạt 682.800 tấn, giảm 5,28% so với tháng trước đó và giảm 37,2% so với tháng 11/2021; bán hàng đạt 874.631 tấn, tăng 22,73% so với tháng trước đó và ngang mức cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn, giảm 52,5% so với tháng 11/2021.

Theo VSA, các nhà máy có kết quả kinh doanh giảm sút do cạnh tranh về giá bán và thị phần, hiện nay đã tạm ngưng việc giảm giá. Điều này khiến thị trường trở nên bình ổn hơn, thúc đẩy việc tiêu thụ và từng bước tái tạo tồn kho. Nhưng các công ty thương mại, nhà phân phối hạn chế mua vào, giao dịch kém đi, chủ yếu nhắm đến việc thu hồi công nợ do gần cuối năm.

Với mức tiêu thụ còn khá thấp trong quý IV, dự kiến kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của các doanh nghiệp thép vẫn không sáng sủa, thậm chí với nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn là số lỗ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra dự báo đối với Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) rằng, biên lợi nhuận gộp quý IV của doanh nghiệp này sẽ giảm từ -3,6% trong quý III xuống -27,4% vào quý IV; doanh thu giảm khoảng 70% xuống 2.630 tỷ đồng và lỗ sau thuế ước tính 865 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 452 tỷ đồng.

Còn HPG mới đây cũng được Công ty Chứng khoán KIS dự báo doanh thu quý cuối năm 2022 giảm một nửa so với quý IV/2021, xuống 21.729 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 120 tỷ đồng, giảm tới 98%.

Động lực nào cho cổ phiếu thép?

Dù bức tranh ngành thép nói chung chưa thể khiến thị trường yên tâm, song cổ phiếu thép lại đang cho thấy điều ngược lại. Sau khi chạm đáy vào giữa tháng 11, thị trường đang ghi nhận những tín hiệu hồi phục rõ nét từ cổ phiếu thép, thanh khoản sôi động bù cho những ngày ảm đạm trước đó, có những phiên các mã đua nhau tăng hết biên độ, thậm chí làm luôn nhiệm vụ dẫn dắt thị trường. HPG ghi nhận tăng 51,2% trong hơn một tháng; HSG đi từ vùng đáy 7.350 đồng và đã tăng đến 70,7%; NKG và SMC cũng lần lượt leo thêm 79,7% và 48,5% (xem bảng).

Ngành thép mới “le lói” sáng ảnh 1

Sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu thép không chỉ là diễn biến đi lên cùng với đà phục hồi chung của thị trường, mà nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào những yếu tố tích cực sẽ có tác động đến nhóm doanh nghiệp thép trong những ngày còn lại của năm, cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng sang năm mới.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép tại quốc gia này phục hồi. Đây là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong năm 2023.

Cùng với đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại Trung Quốc cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục và các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi gián tiếp. Những công ty tôn mạ như HSG, NKG sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi.

Trong khi đó, HPG có khả năng xuất khẩu thép sang Trung Quốc nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh. Trong giai đoạn 2020 – 2021, HPG đã bán lần lượt 1,7 và 1,2 triệu tấn phôi thép sang Trung Quốc.

Chuyên gia VNDirect cũng nhận thấy, các công ty thép đã giảm mức tồn kho xuống chỉ còn 2 – 3 tháng trong quý IV/2022, so với mức 4 – 5 tháng tại thời điểm cuối quý II và điều này sẽ làm giảm rủi ro từ việc trích lập giảm giá hàng tồn kho. Bên cạnh đó, giá giao ngay của các nguyên vật liệu đầu vào cũng đang dần quay về mức trung bình. Vì vậy, lợi nhuận của các công ty thép sẽ sớm chạm đáy, mặc dù tốc độ phục hồi sẽ khá chậm do nhu cầu thép yếu.

Thêm một yếu tố nữa đáng mong chờ với doanh nghiệp thép là việc Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tạo sức cầu lớn cho sản phẩm sắt thép, phần nào bù đắp cho thị trường bất động sản trì trệ.

Theo kế hoạch năm 2023, dự kiến sẽ có 793.000 tỷ đồng dành cho giải ngân đầu tư công, tăng 34% so với kế hoạch đầu tư công năm 2022. Thị trường kỳ vọng rằng, Chính phủ sẽ có những biện pháp đẩy nhanh tiến độ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thép nội địa giữ vững được thị phần và có động lực phát triển trong giai đoạn ngành thép còn gặp nhiều trắc trở. HPG với vai trò là nhà cung cấp thép xây dựng hàng đầu sẽ là cái tên đầu tiên được nghĩ tới.

Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán