Giá than luyện kim chạm đỉnh tại Trung Quốc do nguồn cung bị thắt chặt

Hôm 25/8, trong bối cảnh nguồn cung tại Trung Quốc bị hạn chế, giá than luyện kim giao đến nước này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 410 USD/tấn.

Trong phiên giao dịch ngày 25/8, giá than cốc dùng cho luyện kim (metallurgical coal) giao đến Trung Quốc vừa chạm mức đỉnh mọi thời đại là khoảng 410 USD/tấn. Theo S&P Global Platts, mức cao trước đó là khoảng 392,5 USD/tấn.

Chia sẻ với S&P Global Platts, các nguồn tin cho biết tại Trung Quốc, nguồn cung than bị siết chặt, cùng với nhu cầu tiêu thụ thép ổn định đã góp phần giúp giá than tiếp tục đà tăng.

Bắc Kinh và chính quyền địa phương tại một số tỉnh đang triển khai các chiến dịch về môi trường và an toàn hầm mỏ sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến hoạt động khai thác bị gián đoạn. Nguồn cung than nội địa do đó bị thu hẹp hơn.

Một công ty khai khoáng lớn của Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng khôi phục sản xuất sau khi chính quyền nới lỏng một số lệnh hạn chế. Công ty đang ra sức tăng sản lượng trong bối cảnh giá than tăng mạnh, nhưng cho đến nay chúng tôi chỉ có thể nâng công suất lên khoảng 75% so với thông thường”.

Ngoài ra, doanh nghiệp trên còn cho biết các mỏ khai thác than khác trên toàn tỉnh Sơn Tây, thủ phủ ngành than của Trung Quốc, cũng đang duy trì công suất ở mức tương tự.

“Hiện tại, nguồn cung than tại Trung Quốc chủ yếu là hàng nhập khẩu, do đó một số nhà máy luyện thép đang có động lực kinh tế để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm than ít lưu huỳnh và tạo ra lượng tro thấp”, một thương nhân chia sẻ với S&P Global Platts.

Giá than luyện kim chạm đỉnh tại Trung Quốc do nguồn cung bị thắt chặt - Ảnh 1.

Công nhân chất than lên xe tải bên ngoài một mỏ than ở Dadong, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Hơn nữa, lệnh cấm nhập khẩu không chính thức của Trung Quốc đối với than Úc vào cuối năm ngoái cũng khiến nguồn cung than luyện kim trong nước càng bị thắt chặt. Các sản phẩm than của Mỹ, Canada và Nga không thể thay thế Australia về cả khối lượng và chất lượng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung còn trở nên trầm trọng hơn khi biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ bị đóng vào ngày 23/8. Trong nhiều năm qua, Australia và Mông Cổ là hai nguồn cung ứng than cốc lớn của Trung Quốc.

“Biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ có thể bị đóng cửa trong khoảng hai tuần do các ca nhiễm COVID-19. Điều này không hề giúp ích cho vấn đề nguồn cung than tại đất nước tỷ dân”, một thương nhân Trung Quốc khác nhấn mạnh.

Trong khi đó, dựa trên dữ liệu của Platts Analytics, biên lợi nhuận của các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc ước tính là khoảng 111 USD/tấn đối với thép cuộn cán nóng (HRC) và 62 USD/tấn đối với thép cây.

Trước biên lợi nhuận cao như vậy, rõ ràng các công ty luyện thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó lòng mà “hãm phanh” hoạt động sản xuất, dù chính quyền Bắc Kinh đã kêu gọi ngành công nghiệp thép giảm sản lượng để Trung Quốc hoàn thành mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Một nhà máy thép có trụ sở tại Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) cho biết: “Biên lợi nhuận của chúng tôi vẫn ổn định một phần là do giá quặng sắt giảm mạnh, bù vào mức tăng của giá than. Nhờ đó, chúng tôi vẫn có thể thu mua thêm than cốc trong nửa cuối năm, bất chấp việc giá than tăng cao”.

Nguồn: Vietnambiz.vn