Ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thiếu điện. Từ nhà máy sản xuất thép, xi măng đến các xưởng nhuộm đang phải giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động theo lệnh hạn chế tiêu thụ điện của nước này.
Những ngành công nghiệp bị kiểm soát lượng tiêu thụ điện
Theo Reuters, các nhà sản xuất đồ gia dụng đến các công ty ô tô, xây dựng và sản xuất tấm pin mặt trời có thể đối mặt với việc cắt giảm sản lượng khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thiếu điện.
Việc kiểm soát sản lượng kim loại hướng đến mục tiêu hạn chế phát thải carbon trong mùa đông không phải là điều mới mẻ đối với các nhà sản xuất thép và nhôm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện tăng cao song nguồn cung than khan hiếm khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu điện suốt mùa hè, nhiều nhà máy tiêu thụ điện năng lớn phải dừng hoạt động. Tất cả mọi người đều đang lo lắng về việc không đủ điện để sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực như sản xuất nhôm và xi măng đang được xếp vào nhóm ngành tiêu thụ điện năng lớn, buộc phải hạn chế sản xuất để ưu tiên cho những ngành tiêu thụ ít điện năng hơn.
Các nhà sản xuất phân bón cũng “máy hút điện” khét tiếng, chịu ảnh hưởng bởi việc cắt điện và giá điện tăng. Tuy nhiên, ngành này có vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên được phép duy trì hoạt động và đảm bảo nguồn cung điện.
Ngành kim loại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Việc nhiều nhà sản xuất kim loại nhận được lệnh giảm công suốt để tiết kiệm năng lượng, dẫn đến sản lượng nguyên liệu công nghiệp quan trọng bị thiếu hụt.
Phần lớn sản lượng kim loại của Trung Quốc tập trung ở các khu vực thắt chặt nguồn cung như Giang Tô, Hà Bắc, Tân Cương và Vân Nam vì nhu cầu sử dụng điện vượt quá khả năng cung cấp và buộc chính phủ phải có hành động quyết liệt để cố gắng ngăn chặn tình trạng tiêu thụ điện quá mức.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính 7% công suất nhôm ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm điện. Trong khi khoảng 67% tổng công suất thép của Trung Quốc trên 11 tỉnh được yêu cầu áp dụng một số biện pháp kiểm soát sản lượng cho nửa cuối năm 2021.
Đối với xi măng, 35% tổng sản lượng của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng và khoảng 30 – 40% năng lực sản xuất hóa dầu cũng trong tình trạng này.
Ông Colin Hamilton, công ty phân tích thị trường BMO Capital Markets cho biết, Trung Quốc sẽ sản xuất ít hơn khoảng 1,5 triệu tấn nhôm so với kế hoạch trong năm nay, đồng nghĩa với việc doanh thu kim loại bị mất 4,5 tỷ USD.
Giá nhiều mặt hàng đang có xu hướng tăng nóng như nguyên liệu sản xuất thép như ferrosilicon và silicomangan, lần lượt tăng 87% và 58% trong quý III vì quy định hạn chế tiêu thụ điện.
Tương tự, giá than và kim loại của Trung Quốc tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng nguồn điện, buộc phải cắt giảm sản lượng.
Bà Clare Hanna, nhà phân tích thép cấp cao tại công ty phân tích thị trường CRU, cho biết: “Việc thiếu điện và kiểm soát sản lượng kim loại là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên thị trường. Chúng tôi ước tính trogn tháng 7 sản lượng silicomangan của Trung Quốc đã giảm 40% so với tháng 6, tình trạng này ở Nội Mông Cổ đã lan sang Quảng Tây và các nơi khác.
“Chúng tôi dự đoán rằng nguồn cung cấp điện sẽ khá khan hiếm trong suốt mùa đông,” bà Hanna nói.
Việc ngành nhôm phải hạn chế tiêu thụ điện cũng bắt nguồn từ Nội Mông Cổ lan sang khu vực Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc.
Trong 3 năm qua, các nhà máy luyện nhôm lần lượt chuyển đến tỉnh này, trở thành trung tâm sản xuất thiếc và kẽm và hưởng lợi từ việc khai thác nguồn thủy điện thường dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tạo áp lực cho hệ thống cấp điện, đỉnh điểm vào tháng 5 và tháng 6.
Ông Paul Adkins, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn thị trường AZ Trung Quốc cho biết, các công ty nhôm Trung Quốc cũng cố gắng thay đổi cho phù hợp với quy định giảm thải carbon nhưng vấn đề là không có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 20% nhu cầu.
Chi phí sản xuất tăng phi mã
Các nhà máy luyện kim cũng phải chi một khoản tiền lớn mua nguyên liệu để duy trì các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh giá than nhiệt giao sau của Trung Quốc gần mức cao kỷ lục trên 1.300 nhân dân tệ (200 USD)/tấn.
Không chỉ các ngành công nghiệp trọng điểm, những nhà máy sản xuất thuốc nhuộm, xưởng nghiền đậu nành cũng được yêu cầu cắt giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động để giảm lượng tiêu thụ điện, ít nhất là hết kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10, thậm chí có thể kéo dài hơn.
“Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc là sự phản ánh của sự căng thẳng toàn cầu trên thị trường năng lượng và sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều”, Capital Economics cho biết.
Việc phân bổ công suất sẽ hạn chế hoạt động công nghiệp cho đến khi nhu cầu suy yếu đủ để đưa thị trường điện trong nước trở lại trạng thái cân bằng.
Việc ngừng cung cấp kim loại kéo dài có nguy cơ gây ra rủi ro cho những người dùng cuối, vốn đang phải đối mặt với giá hàng hóa tăng phi mã.
Morgan Stanley cho biết: “Mối quan tâm chính đối với chuỗi cung ứng ô tô là chi phí đẩy lạm phát và thắt chặt nguồn cung thượng nguồn có thể ảnh hưởng đến sản xuất/lợi nhuận ở hạ nguồn”.