Hồi giữa tháng 7, Bộ Tài chính công bố dự thảo điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép từ 0% lên 5%.
Mục đích dự kiến của quy định này nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, từ đó ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng lập luận như trên là chưa thuyết phục do thị trường trong nước dường như không thiếu phôi thép.
Theo đó, năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam đang tăng trưởng tốt, công suất đạt 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản lượng phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, còn 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, nhập khẩu phôi thép có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, nhập khẩu năm 2020 giảm 97,5% so với năm 2019, xuống 1,2 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu giảm mạnh chỉ còn 252.000 USD.
Các số liệu trên cho thấy rằng nguồn cung phôi thép trong nước không thiếu, và do đó việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu không chắc có thể giảm giá phôi thép trong nước, qua đó khó tác động giảm giá thép thành phẩm như mục tiêu ban đầu.
Trong khi đó, việc tăng thuế suất có thể trực tiếp ngay lập tức tác động đến giá và lợi nhuận của các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất phôi thép.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến việc giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp.
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép của Bộ Tài chính chưa phù hợp.
Theo đó, kể từ đợt dịch bắt đầu bùng phát từ cuối háng 4/2021 cho đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Chính phủ khiến hoạt động xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh.
“Việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết, giúp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thì cơ hợi xuất khẩu các sản phẩm thép thành phẩm này là tốt, giúp có nguồn thu ngoại tệ và đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp”, VSA nhận định.