Thị trường hàng hóa trong “siêu chu kỳ biến động”

Chia sẻ với Financial Post (Canada), các nhà phân tích cho rằng thị trường hàng hóa đang ở trong một “siêu chu kỳ biến động”, bất luận là do ảnh hưởng tạm thời của đại dịch hay do những thay đổi mang tính cơ cấu liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong nhiều tháng qua, các nhà kinh tế đã không ngừng tranh luận tại sao giá của nhiều mặt hàng, từ nhôm, quặng sắt và đồng đến khí đốt và gỗ xẻ, lại biến động mạnh.

Liệu đây có phải là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một sự thay đổi mang tính cấu trúc trong chuỗi ứng khi thế giới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, hay chỉ là những đợt tăng giảm tạm thời?

Dù vẫn còn tranh cãi, các chuyên gia vẫn đồng thuận về một số điểm. Đại dịch COVID-19, bằng cách bấm nút tạm ngừng và sau đó tái khởi động lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đã khiến các yếu tố cung – cầu cơ bản trở nên mất ổn định và đẩy giá của nhiều hàng hóa lên cao.

Ngoài ra, việc người tiêu dùng giảm sử dụng các dịch vụ như đi du lịch và ăn nhà hàng, thay vào đó hướng tới mua sắm các hàng hóa khác như máy tập thể dục và thiết bị gia dụng, cũng làm tăng nhu cầu đối với các vật liệu công nghiệp. Điều này cũng góp phần giúp giá hàng hóa leo thang hơn.

Theo Financial Post, khoảng một nửa chuyên gia kinh tế và nhà phân tích được phỏng vấn cho bài viết này cho rằng đà tăng gần đây của thị trường hàng hóa chỉ là cú sốc tạm thời do dịch bệnh gây ra.

Trong khi đó, một nửa còn lại tin rằng đại dịch có thể đang che giấu một sự thay đổi mang tính cơ cấu trên thị trường hàng hóa, vốn có liên quan tới quá trình chuyển đổi năng lượng. Nếu không phải đang diễn ra ở hiện tại thì xu hướng này có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

“Nếu bạn hỏi đà tăng giá của các hàng hóa công nghiệp hiện tại có bao nhiêu phần do đại dịch và bao nhiêu phần là cơ cấu thì tôi cho rằng nó khá phức tạp và thay đổi theo từng mặt hàng”, Kinh tế trưởng Jumana Saleheen của công ty nghiên cứu CRU Group, nhấn mạnh.

“Thị trường hàng hóa đang biến động dữ dội. Dường như mọi loại hàng hóa đều có thể chạm đỉnh hoặc tụt dốc không phanh”, Giám đốc Rory Johnston của hãng cung cấp dữ liệu thị trường Price Street bày tỏ thêm.

Thị trường hàng hóa trong 'siêu chu kỳ biến động' - Ảnh 1.

Một mẩu quặng sắt tại Australia. (Ảnh: Reuters).

Biến động giá mang tính nhất thời

Đơn cử, các nhà phân tích tại IHS Markit cho biết sự chênh lệch cung – cầu hiện nay sẽ không kéo dài quá lâu mà sẽ trở lại cân bằng khi dịch bệnh lắng dịu.

Ông Frank Hoffman, một nhà tư vấn tại IHS Markit, bày tỏ: “Mọi người đều có thể đồng ý rằng thế giới hậu đại dịch sẽ khác đôi chút so với thế giới trước đó, nhưng nhu cầu lớn về hàng hóa công nghiệp chắc chắn sẽ không kéo dài mãi mãi”.

“Cuối cùng, người dân trên khắp thế giới sẽ đi du lịch trở lại, một phần túi tiền của họ sẽ lại được rót vào lĩnh vực dịch vụ”, ông Hoffman nói thêm.

Giá gỗ xẻ, một mặt hàng mà ông Hoffman nghiên cứu, đã biến động khá mạnh trong thời gian qua. Ngay khi đại dịch mới bùng phát, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Giữa lúc đó, một lượng lớn người lao động được làm việc tại nhà và nhu cầu mua sắm các sản phẩm từ gỗ tăng vọt.

Song, hiện tại cung đã vượt cầu. Tháng 8 vừa qua, Canfor Corp., nhà sản xuất gỗ lớn thứ hai ở Bắc Mỹ, đã phải giảm sản lượng ở tỉnh British Columbia xuống 20% “cho đến khi nhu cầu và giá cả cải thiện đáng kể”. Tỉnh này chiếm đến 55% sản lượng của Canfor.

Chia sẻ với Financial Post, nhà phân tích Mark Wilde của hãng tư vấn BMO gọi việc giá gỗ xẻ đột ngột giảm sâu là “một sự đảo chiều chưa từng có trên thị trường”.

Một ví dụ khác là quặng sắt. Hồi tháng 5 năm nay, giá quặng sắt đã chạm mức đỉnh lịch sử là khoảng 240 USD/tấn. Dù vậy, giá của loại nguyên liệu thô này gần đây đã mất đà và chỉ trong tuần trước giảm khoảng 22% xuống còn gần 100 USD/tấn.

Thị trường hàng hóa trong 'siêu chu kỳ biến động' - Ảnh 2.

Ông Erik Hedborg, chuyên gia phân tích tại CRU Group cho biết thực chất giá quặng đã bắt đầu tăng từ năm 2019 sau khi đập Brumadinho của Vale ở Brazil bị sập, khiến 270 người thiệt mạng.

Thảm kịch trên khiến một mỏ khai thác quặng sắt lớn phải ngừng sản xuất và gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung. Sau đó, khi đại dịch tấn công vào năm 2020, Trung Quốc bắt đầu tung ra kích thích lớn để củng cố nền kinh tế, trong đó có các gói đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhu cầu thép, và đương nhiên là quặng sắt, đồng loạt đi lên.

Cùng lúc, chi tiêu của người dân ở Bắc Mỹ và châu Âu chuyển từ dịch vụ sang các hàng hóa lâu bền cũng thúc đẩy giá quặng sắt tăng vọt.

Để ghìm cương giá thép và hoàn thành mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong nước, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp kiểm soát sản lượng thép, nhu cầu quặng sắt bắt đầu hạ nhiệt từ đây. Dù vậy, ông Hedborg lưu ý rằng, so với mức trước đại dịch là khoảng 50 – 60 USD/tấn thì giá quặng hiện nay cũng có khá cao.

Thay đổi mang tính cấu trúc

Ngoài động lực cung – cầu, một số yếu tố phức tạp hơn khác cũng khiến tác động đến giá của hàng hóa công nghiệp.

Chuyên gia Saleheen của CRU Group đề cập đến giá nhôm, mặt hàng vừa đạt mốc 3.000 USD/tấn lần đầu tiên kể từ năm 2008 trong tháng này. Theo ông Saleheen, dù tăng giá, nhôm cũng đang chịu sự chi phối của những thay đổi cấu trúc liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

“Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc đang trở nên nghiêm túc hơn với các chính sách môi trường và điều đó khiến CRU phải đánh giá lại dự đoán về nguồn cung cũng như giá nhôm trong tương lai”, ông Saleheen nói.

Từ năm ngoái, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đạt đỉnh về phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và trung bình carbon vào năm 2060. Chính phủ cũng cam kết rằng năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong “miếng bánh” năng lượng của đất nước tỷ dân, thay thế bớt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

Một phần của sự thay đổi mang tính cơ cấu trên thị trường nhôm đã bị lu mờ bởi cuộc đảo chính hồi đầu tháng này ở Guinea, nơi có trữ lượng bauxit lớn nhất thế giới. Vụ việc gây xôn xao thị trường toàn cầu nhưng không dẫn đến tác động lớn, nhà phân tích Gregory Wittbecker của CRU Group nhấn mạnh.

Ở diễn biến khác, ông John Mothersole, Giám đốc phụ trách định giá và mua hàng tại IHS Markit, nói rằng quá trình chuyển đổi năng lượng đúng là có thể dẫn đến những biến động về cơ cấu đối với nhiều kim loại và chuỗi cung ứng, nhưng trong hầu hết trường hợp thì phải mất nhiều năm sau mới thể hiện rõ nét.

“Ví dụ nổi bật nhất là đồng”, ông Mothersole nói.

Đồng là kim loại được dùng trong pin cấp năng lượng cho xe điện và được đánh giá cao về độ dẫn điện nên trong tương lai, khi xu hướng điện khí hóa bùng nổ, đồng sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Tháng 5 năm nay, giá đồng đã chạm mức cao nhất mọi thời đại trên Sàn Giao dịch Kim loại London là 10.747,5 USD/tấn. Song, ông Mothersole cho biết tác động của xu hướng chuyển đổi năng lượng đến động lực cung – cầu của đồng sẽ không đáng kể cho đến ít nhất là năm 2024.

Nguồn: Vietnambiz.vn