PHÁT HUY NỘI LỰC – “CỬA SÁNG” CHO NGÀNH THÉP NỬA CUỐI NĂM

Từ đầu năm đến nay, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và sự “đóng băng” của thị trường bất động sản, khiến ngành thép đình trệ, suy giảm về sản lượng, tiêu thụ, xuất khẩu và giá cả. Song, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan tin tưởng, nếu tập trung, phát huy chính nội lực của mình – quản lý hiệu quả các loại chi phí, quản trị hàng tồn kho tốt cùng với chiến lược bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường… chắc chắn doanh nghiệp ngành thép sẽ vượt qua một cách ngoạn mục thời kỳ khó khăn này.

Thị trường suy giảm, tình hình kinh doanh khá ảm đạm

Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép khá ảm đạm. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, một số sản phẩm thép chủ lực suy giảm mạnh về sản lượng, tiêu thụ, xuất khẩu…

Mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã công bố dự báo nhu cầu thép – triển vọng ngắn hạn cho năm 2023 và 2024. Theo đó, sản lượng thép thô thế giới của 63 quốc gia báo cáo với Worldsteel là 165,1 triệu tấn trong tháng 3/ 2023, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thép 2023 sẽ phục hồi 2,3%, đạt 1,822,3 tỷ tấn và 1,7% tương đương với 1,854,0 tỷ tấn vào năm 2024. Sản xuất dự kiến sẽ dẫn đầu sự phục hồi, nhưng lãi suất cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép.

Đơn cử, sản xuất thép thô 4 tháng đầu năm giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5,998 triệu tấn; tiêu thụ giảm 18% với 6,142 triệu tấn; xuất khẩu thép thô giảm 78% so với cùng kỳ 2022 với sản lượng xuất khẩu là 518.000 tấn.

Bên cạnh đó, thép xây dựng, sản xuất 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,447 triệu tấn, giảm 26,4%; bán hàng đạt 3,362 triệu tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái; thép cuộn cán nóng, sản xuất đạt 2,266 triệu tấn, giảm 5,3%; bán hàng đạt 2,071 triệu tấn, giảm 17,9%; thép cán nguội, 4 tháng qua đạt 982 ngàn tấn, giảm 39,1%; bán hàng đạt 606 ngàn tấn, giảm 28,4%; sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 1,397 triệu tấn, giảm 24,2%; bán hàng đạt 1,276 triệu tấn, giảm 24,6%; sản xuất ống thép đạt hơn 773 ngàn tấn, giảm 13%; bán hàng đạt 783 ngàn tấn, giảm 15,1%…

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho hay, từ đầu năm đến nay, thị trường thép tiếp tục đà suy giảm, dấu hiệu phục hồi có nhưng chưa rõ rệt, tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Phát huy nội lực - “cửa sáng” cho ngành thép nửa cuối năm
Tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép chưa phục hồi rõ rệt. Ảnh: TL

Nhu cầu thép ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều yếu, tiêu thụ của phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép giảm mạnh đã kéo theo lượng tồn kho cao khiến nhiều nhà máy phải thực hiện tiết giảm sản lượng.

Đáng chú ý, hiện giá nguyên liệu thép vẫn ở mức cao, đội chi phí sản xuất tăng, theo đó biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, giá thép liên tục điều chỉnh giảm. Cùng với đó, doanh nghiệp còn gánh nặng về lãi vay ngân hàng, lỗ do chênh lệch tỷ giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng cao…

Phát huy nội lực để vượt “bão” khủng hoảng

Nhìn nhận thị trường thép từ nay đến cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới và rủi ro pháp lý hiện hữu là rào cản đối với ngành thép.

Mặt khác, tại thị trường nội địa, thuế tự vệ 11,3% đối với phôi thép đã hết hiệu lực từ tháng 3 vừa qua, khiến áp lực cạnh tranh với thép nhập tại thị trường trong nước gia tăng.

Dự báo năm 2023, sản xuất thép sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2022, tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài.

Tại thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh sẽ tác động tiêu cực đến thép Việt. Đó là còn chưa kể đến mặt hàng này đang bị áp thuế phòng vệ dày đặc ở nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Trước bối cảnh đó, các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của ngành thép hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, nên khi lực cầu được dự báo vẫn ở mức thấp trong nửa cuối năm thì tức là khó khăn của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Điều này thể hiện rõ nhất ở số dự án cấp mới trong năm 2022 thấp kỷ lục cho thấy nhu cầu xây dựng năm 2023 là rất yếu và sẽ tiếp tục yếu cho đến hết năm.

Dự báo, lợi nhuận của ngành này sẽ tiếp tục bấp bênh từ nay đến cuối năm 2023.

Phát huy nội lực - “cửa sáng” cho ngành thép nửa cuối năm
Doanh nghiệp cần quản trị hàng tồn kho tốt cùng với chiến lược bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường. Ảnh: TL

Còn theo VSA, nửa cuối năm nay, thị trường thép tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể tiếp tục sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và trong nước.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan, từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều “ông lớn” ngành thép báo lãi trở lại sau thời gian thua lỗ và cho rằng năm 2022 đã chạm “đáy”. Điển hình như CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Thép Việt Nam, CTCP Đầu tư Thương mại Thép SMC…

Cho nên, thời điểm này hơn lúc nào hết, ngành thép cần tập trung, phát huy chính nội lực của mình – quản lý hiệu quả các loại chi phí, quản trị hàng tồn kho tốt cùng với chiến lược bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường… để sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn này./.

Nguồn tin: Tài chính