NHIỀU DOANH NGHIỆP THÉP BÁO LÃI KỶ LỤC NĂM 2021, DỰ BÁO NĂM 2022 CÒN TỐT NỮA

VnEconomy ghi nhận bức tranh trái chiều lợi nhuận nhóm này dù vậy hầu hết các doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng…

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp ngành tôn thép chính thức công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 với điểm sáng đến từ thị trường xuất khẩu. 

NHỮNG SỐ LÃI KỶ LỤC

Theo đó, 2021 là một năm kỷ lục về lợi nhuận mà Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận. Kết thúc năm 2021, NKG ghi nhận doanh thu thuần 28.173 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2020. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 68%, tương đương hơn 19,200 tỷ đồng, còn lại là doanh thu nội địa. Lãi gộp của Công ty ghi nhận gần 4,270 tỷ đồng, gấp gần 5 lần. Biên lãi gộp tăng từ 7.5% lên hơn 15%. Một điểm sáng khác của NKG là doanh thu tài chính tăng mạnh lên hơn 199 tỷ đồng, gấp 2.2 lần so với năm trước.

Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng của NKG đạt 2.225 tỷ đồng,gấp hơn 7.5 lần so với năm 2020. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà NKG đạt được kể từ trước đến nay. So với kế hoạch lãi sau thuế 600 tỷ đồng đề ra cho năm 2021, NKG đã vượt hơn 270% so với chỉ tiêu đề ra.

Riêng trong quý cuối cùng của năm, dù cho giá thép thế giới cũng như Việt Nam chịu áp lực giảm giá song doanh thu và lãi ròng của NKG vẫn lần lượt gấp 2.6 lần và gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 8,780 tỷ đồng và hơn 452 tỷ đồng.

Tổng tài sản của NKG tại thời điểm 31/12/2021 đạt gần 15,383 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tổng tài sản với gần 8,702 tỷ đồng, gấp 3.7 lần cuối năm trước. Đáng chú ý, NKG đã lập dự phòng hơn 420 tỷ đồng cho nguyên, vật liệu tồn kho chỉ trong 2 quý cuối năm. Trước đó, NKG không ghi nhận bất kỳ khoản dự phòng nào liên quan đến khoản mục này. Việc tăng mạnh hàng tồn kho cũng như khoản phải thu đã khiến dòng tiền kinh doanh của Công ty bị âm gần 318 tỷ đồng, trong khi năm 2020 dương hơn 52 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thép báo lãi kỷ lục năm 2021, dự báo năm 2022 còn tốt nữa - Ảnh 1

Một doanh nghiệp khác cũng có mùa kinh doanh bội thu là Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN). Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của TVN ước đạt trên 37.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch Đại hội cổ đông năm 2021 giao, tăng trưởng 16% so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 910 tỷ đồng, vượt 128% kế hoạch, tăng trưởng 35% so với năm 2020.

Tổng doanh thu thuần toàn hệ thống Tổng công ty ước đạt trên 95.600 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2020; Tổng lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống Tổng công ty ước đạt trên 2.590 tỷ đồng, tăng trưởng 143%.

Nhiều doanh nghiệp thép báo lãi kỷ lục năm 2021, dự báo năm 2022 còn tốt nữa - Ảnh 2

Trước đó ông lớn ngành tôn là Tôn Hoa Sen (HSG) cũng báo lãi kỷ lục 4.313 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2020-2021. Theo lý giải của ban lãnh đạo HSG, lãi sau thuế tăng mạnh 3.160 tỷ đồng tương ứng với tăng 274% so với năm 2020 do doanh thu thuần tăng dẫn đến lợi nhuận gộp tăng thêm 4.246 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 93 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 34 tỷ đồng.

HSG hiện chiếm 37% thị phần tôn trong nước và hơn 42% sản lượng xuất khẩu toàn ngành. Tính đến cuối năm 2021, HSG xuất khẩu đến hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu trung bình đạt trên 100.000 tấn/tháng trong năm 2021. Hiện, HSG có 575 chi nhánh cửa hàng bán lẻ và 10 nhà máy phân bổ gần các cảng quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp thép báo lãi kỷ lục năm 2021, dự báo năm 2022 còn tốt nữa - Ảnh 3

Trong năm qua, Tôn Đông Á cũng lãi chưa từng có lịch sử với khoản ước lợi nhuận lên tới 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2020.

Trái chiều với kết quả kinh doanh năm 2021 của những doanh nghiệp nêu trên, một số công ty thép ngậm ngùi báo lỗ trong năm qua. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 4/2021 của CTCP Thép Vicasa – Vnsteel (VCA) ghi nhận doanh thu đạt 704 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn (23%) khiến lãi gộp sụt 29%, đem về 18 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lãi gộp VCA sụt giảm đáng kể từ mức 4.3% cùng kỳ xuống chỉ còn 2.5%. Công ty thua lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng trong quý 4/2021. Nhờ kết quả khả quan các quý đầu năm nên VCA vẫn báo lãi ròng tăng trưởng 71% trong 2021, đạt 36 tỷ đồng.

Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Thép Việt Ý (VIS). Kinh doanh dưới giá vốn đã khiến VIS lỗ 113 tỷ đồng trong quý 4/2021 trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 19 tỷ đồng. Kết thúc cả năm, VIS lỗ 132 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế đến thời điểm hiện tại là 647 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu vì thế giảm mạnh từ 528 tỷ đồng năm ngoái còn 396 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại. Dòng tiền kinh doanh âm 550 tỷ đồng.

TRIỂN VỌNG NGÀNH THÉP TỐT HƠN TRONG NĂM 2022

Lợi nhuận tăng trưởng bứt phá của nhiều doanh nghiệp ngành thép trong năm 2021 không thể phủ nhận đóng góp nhiều từ thị trường xuất khẩu.

Tại Hội thảo Thị trường Thép Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, ông Nghiêm Xuân Đa- Chủ tịch Hiệp hội cho rằng năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép Việt Nam.

Sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2021.Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%. Xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Nói thêm về tăng trưởng của HSG, ông Vũ Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia là thị trường một trong những thị trường tiềm năng của thép Việt Nam, khi các mặt hàng tôn lạnh xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế tự vệ thương mại toàn cầu, bị kiện ra WTO và đến 2019 bị kiện chống bán phá giá.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thép của Việt Nam cùng Hiệp hội dưới sự hỗ trợ của các Cơ quan Nhà nước (đặc biệt Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương) đã đệ trình thư đề nghị xem xét lại, gửi cho các bên liên quan kết quả là Chính phủ Indonesia đã rút lại kết luận điều tra là một trong những thắng lợi rất lớn của ngành thép Việt Nam trong suốt 3 năm 2019-2021.

Về phía Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Phó Cục trưởng Chu Thắng dự báo, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid 19 xuyên suốt. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.

Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.

Nguồn: vnExpress