NGÀNH THÉP VIỆT NAM TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ TRONG NĂM 2022

Năm 2022, với nhu cầu thép thế giới tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn theo Hiệp hội Thép Thế giới là động lực phát triển cho ngành thép Việt Nam trong điều kiện Nga – nước xuất khẩu kim loại hàng đầu thế giới đang bị kìm kẹp do trừng phạt kinh tế.

Năm 2021, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu, đã tạo cơ hội cho ngành thép Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng này. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2021. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%. Xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, tăng 124,3% so với năm 2020. Năm 2021 ngành thép đã gia nhập nhóm 7 ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giớ, giữ vững vị thế nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á.

Theo bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn. Động lực chính vẫn là các nước phát triển với mức tiêu thụ thép ước tăng 4,3% do GDP phục hồi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại Mỹ với dự luật cơ sở hạ tầng được đề xuất là 1,2 nghìn tỷ USD, tăng mức tiêu thụ thép của Mỹ hàng năm khoảng 3% -5%. Trong khi đó, Nga – nước xuất khẩu kim loại hàng đầu thế giới đang bị kìm kẹp do các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu.

Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, … được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành thép khi thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của ngành thép Việt Nam là cần hướng tới phát triển thép “xanh”, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời sản lượng xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm do bảo hộ thương mại và sự phục hồi tích cực của sản xuất thép trên thế giới.

Một số yếu tố có thể hỗ trợ tốt giá thép như việc Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt các hạn chế trên thị trường bất động sản, nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nguồn sản xuất thép Trung Quốc vẫn hạn chế do chính sách hạn chế khí thải và việc mới đây phải phong tỏa Thượng Hải để đương đầu với đợt dịch bùng phát mới. Ngành thép Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.

Nguồn tin: Satthep.net