MỘT QÚY KINH DOANH KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH THÉP!

Với nhiều khó khăn bủa vây, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong quí 3-2022 được dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với mức đỉnh của cùng kỳ năm ngoái.

Tồn kho tăng cao

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9-2022, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại chỉ đạt 1,99 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Tính chung chín tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8%; bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 4,56 triệu tấn, giảm 7,4%.

Tồn kho cao là thực trạng trong những quí gần đây của ngành thép. Trong quí 2-2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ đồng so với cuối quí 1. Trong 110.000 tỉ đồng tồn kho này, riêng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chiếm hơn một nửa với hơn 57.500 tỉ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỉ đồng), tăng 17.500 tỉ đồng so với cuối quí 1 và cao hơn 11.500 tỉ đồng so với đỉnh cũ hồi cuối quí 3 năm ngoái. Cuối quí 2, tồn kho của Hoa Sen Group (HSG) cũng lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Theo VSA, sang đến quí 3, ngành thép vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tồn kho tiếp tục tăng cao. Thậm chí, mới đây, Công ty cổ phần (CTCP) Thép Pomina (mã POM, hiện chiếm 4,29% thị phần) do thua lỗ nặng đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23-9-2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

Theo Pomina, lý do công ty không thể duy trì được hoạt động sản xuất lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang. Trong khi đó, giá các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Theo đó, nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.

Tương tự, tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất thép dẫn đầu thị trường (hiện chiếm 35,78% thị phần) cũng bị giảm sản lượng tiêu thụ trong tháng 9. Cụ thể, trong tháng 9, Hòa Phát đã sản xuất 540.000 tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 555.000 tấn.

Trong đó, sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, song sản lượng bán hàng thép xây dựng lại giảm 3% so với cùng kỳ, đạt 318.000 tấn. Theo lý giải của Hòa Phát, trong tháng 9, nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

Kết quả kinh doanh quí 3 kém tích cực

Với những khó khăn nêu trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép được dự báo sẽ sụt giảm mạnh so với mức đỉnh của cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, CTCP Thép Vicasa – VNSTEEL (VCA) đã công bố báo cáo tài chính quí 3-2022 với kết quả không mấy khả quan.

Cụ thể, trong quí 3, Vicasa ghi nhận doanh thu hơn 477 tỉ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn kèm theo hàng loạt chi phí đều tăng khiến công ty bị lỗ ròng sau thuế xấp xỉ 22 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lãi gần 2 tỉ đồng.

Đây cũng là quí lỗ nặng nhất kể từ năm 2009 đến nay của công ty này. Lũy kế chín tháng đầu năm, Vicasa mang về xấp xỉ 1.840 tỉ đồng doanh thu thuần (giảm 4%) nhưng lỗ ròng 13 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 42 tỉ đồng).

Một doanh nghiệp khác là CTCP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (TDS) cũng gây chú ý với báo cáo tài chính quí 3 mang màu “xám” tương tự. Theo đó, trong quí vừa qua, mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỉ đồng, song do giá vốn đội lên cao cùng loạt chi phí tăng mạnh nên Thép Thủ Đức bị lỗ ròng hơn 21 tỉ đồng.

Tính chung chín tháng đầu năm, Thép Thủ Đức mang về 1.500 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ mức lãi 58 tỉ đồng của chín tháng đầu năm trước, sang năm nay công ty bị lỗ gần 16 tỉ đồng.

Cả Thép Vicasa và Thép Thủ Đức đều có điểm chung là hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, với tỷ lệ lần lượt là 71% (377 tỉ đồng) và 85% (420 tỉ đồng). Cả hai công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 3,3 tỉ đồng và 7,5 tỉ đồng.

Giữa lúc thị trường thép không thuận lợi như trên, mới đây SSI Research cũng đã hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quí 3 của Hòa Phát xuống còn 2.100 tỉ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm lợi nhuận của Hòa Phát trong quí này là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do tiền đồng giảm giá 2,5% so với đô la Mỹ.

SSI Research dự báo lợi nhuận của Hòa Phát có thể chạm đáy trong quí 3-2022 và phục hồi từ quí 4 (tăng trưởng so với quí trước), mặc dù công ty có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm (so với cùng kỳ năm liền trước) cho đến quí 1-2023.

Trước đó, SSI Research cũng dự phóng, lợi nhuận năm 2022 của Hoa Sen là 1.400 tỉ đồng, giảm 67% so với năm ngoái và Tôn Nam Kim (NKG) là 1.350 tỉ đồng, giảm 39% so với năm ngoái,…

Trên sàn chứng khoán, giá nhóm cổ phiếu thép đã và đang phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành này gặp phải. “Ông lớn” HPG hiện có mức giá giao dịch quanh vùng 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 50% so với mức đỉnh.

Các mã khác như HSG, NKG, POM… cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn có mức sụt giảm sâu hơn. Thời điểm hiện tại, sẽ là rất khó để xác định xem những thách thức mà các doanh nghiệp ngành thép gặp phải đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu hay chưa.

Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý: thép là nhóm ngành mang tính chu kỳ cao, có mức độ biến động giá rất lớn nên trong những giai đoạn tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, nhóm ngành này thường chịu áp lực bán mạnh.

Hiện môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều ẩn số phía trước nên việc đặt cược sớm vào đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành thép đòi hỏi các nhà đầu tư phải thật sự kiên nhẫn và có độ chấp nhận rủi ro cao.

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn