Nhiều chủ đại lý, DN ngành thép mong đợi có nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm trước áp lực về tồn kho và tiêu thụ kém.
Mong bán được hàng
Giá thép của các thương hiệu trong nước đã có đợt điều chỉnh giảm liên tiếp trong 2 ngày 12 – 13/10 và bình ổn từ đó đến nay. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các phố buôn bán thép như Đê La Thành, Dịch Vọng, Kim Ngưu…, nhiều chủ đại lý vẫn đang ngồi “trên đống lửa” vì không bán được hàng do nhu cầu rất thấp.
Sản xuất tại Công ty CP Thép Việt Đức, Khu Công nghiệp Vĩnh Phúc. Ảnh: Việt Dũng
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán mặt hàng thép sụt giảm gần 10% trong quý III/2022 và lũy kế từ đầu năm giảm hơn 2,4% về mức 21,3 triệu tấn thành phẩm. Theo chủ một đại lý sắt thép trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa), hiện lượng tồn kho của cửa hàng rất lớn do không bán được, nhu cầu thấp khi xây dựng dân dụng và công trình hầu như không có.
Còn ông Phạm Phan Anh – chủ đại lý sắt Phương Tiến (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, hiện tại, xây dựng dân dụng đang khởi sắc trở lại trên địa bàn TP cũng như nhiều địa phương, tuy nhiên đa phần người dân chỉ sửa chữa, xây lại nhà trên khung thép có sẵn.
“Thông thường mọi năm tháng 9 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm người kinh doanh thép mong chờ nhất năm bởi hoạt động xây dựng diễn ra sôi nổi, nhiều công trình bắt đầu thi công móng. Tuy nhiên, năm nay mọi thứ ảm đạm hơn khi nhu cầu thấp, ít người hỏi mua” – ông Phan Anh cho hay.
Có nguyên nhân từ chậm giải ngân đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp 10/2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước như quặng aptit giảm 14,4%; sắt thép thô giảm 15,3%; sản xuất kim loại giảm 1,5%.
Bộ Công Thương nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng, dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, chất lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn là do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Số liệu vừa được Bộ Tài chính báo cáo, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, hơn 290.800 tỷ đồng là vốn trong nước, bằng 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 6.960 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 20,14% kế hoạch. Như vậy, nếu xét về tỷ lệ, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng qua tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong một báo cáo gần đây lên Chính phủ về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2021, có 1.962 dự án bị chậm tiến độ, trong đó 1.145 dự án do giải phóng mặt bằng; ngoài ra, do chuẩn bị dự án, thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp 2 tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp như: Hỗ trợ DN chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á, nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, để tiêu thụ hàng hóa cho các DN.
Nhận định về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, VSA cho rằng, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các DN vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý. Với các DN sản xuất thép, trước nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, đã nhanh chóng “xả” hàng tồn kho xuống còn 85.000 tỷ đồng để giảm đi áp lực kinh doanh trong giai đoạn quý cuối năm.
Cùng với Hòa Phát, nhiều “ông lớn” ngành thép cũng đẩy mạnh tồn kho như Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina, SMC. Chỉ một số ít còn lại tăng tích trữ như Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên, Tisco.
Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, thị trường thép cuối năm có thể giảm áp lực về tồn kho cũng như gỡ lại lợi nhuận khi hoạt động giải ngân vốn đầu tư, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai mạnh mẽ vào cuối năm. Từ các dự án trọng điểm như xây dựng đường vành đai tại Hà Nội, dự án xây dựng đường cao tốc, hầm chui cũng như dự án tại các địa phương sẽ hỗ trợ kích cầu thị trường thép tại địa bàn TP.
Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, áp lực cho các DN thép nội địa là rất khó khăn so với khối công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài. Những đơn vị này có dư địa phục hồi, phát triển nhanh hơn so với nỗ lực tự vượt khó của các DN trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công cũng như triển khai các biện pháp bình ổn giá vật liệu, hàng hóa dịp cuối năm, cần có chính sách hỗ trợ (ưu đãi thuế, lãi vay…) để trợ lực cho DN nội địa giữ vững thị phần và có động lực để phát triển.
“Thời gian qua, ngành thép đạt một số thành tựu cơ bản nhưng chưa đáp ứng tiềm năng hiện có. Thép mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp này trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, phải đề xuất cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để có hướng đi rõ ràng cho ngành thép.” – Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị