GIÁ THÉP XÂY DỰNG GIẢM 18 LẦN LIÊN TIẾP, CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH ĐÃ ‘CHẠM ĐÁY’

Việc giá thép xây dựng tiếp tục giảm lần thứ 18 là không quá bất ngờ bởi tháng 8 (tức tháng 7 âm lịch) với quan niệm tháng ‘cô hồn’ nên ít công trình xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định đây có phải là mức giá đã ‘chạm đáy’.

Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 18 lần giảm liên tiếp. Hiện, giá thép trong nước dao động phổ biến quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

 Giá thép xây dựng tiếp tục giảm lần thứ 18.

Giá thép xây dựng tiếp tục giảm lần thứ 18.

Mới đây, một số doanh nghiệp thép trong nước đã thông báo giảm 100.000 – 810.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép xây dựng. Theo số liệu từ Steel Online, so với lần điều chỉnh vào ngày 17/8, ở đợt giảm lần này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, thép Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn và thép thanh vằn, xuống còn 14,82 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Hòa Phát cũng giảm giá rất mạnh cho các sản phẩm. Tại miền Bắc, thép Hòa Phát giảm 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn và thép thanh vằn. Sau điều chỉnh, giá của hai dòng thép này lần lượt ở mức 13,53 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát giảm tới 510.000 đồng/tấn với thép cuộn xuống 13,53 triệu đồng/tấn và giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn còn 13,79 triệu đồng/tấn.

Chung đà giảm, các loại thép Việt Sinh, Việt Ý và Việt Đức cũng giảm 100.000 – 200.000 đồng/tấn, tùy loại.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Theo dự báo của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành, giá thép chưa thể nóng trở lại trong quý III do ít công trình dân dụng khởi công bởi tâm lý tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch). Ngành thép kỳ vọng tới quý IV thị trường tiêu thụ sẽ sáng sủa hơn khi nhu cầu xây dựng dân dụng gia tăng.

Tuy vậy, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho rằng chưa thể nói giá thép đã “chạm đáy”, bởi phụ thuộc vào cung cầu trong nước và giá thép thế giới. Ở trong nước, nhu cầu đang rất yếu, quý III thường là giai đoạn thấp điểm trong tiêu thụ nên nhu cầu yếu, trong khi giá thép thế giới vẫn đi xuống.

“Chúng tôi hy vọng giá thép không giảm thêm, phải nói chưa có năm nào nhu cầu thị trường thép giảm mạnh như năm nay với con số trên 20%, nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản gặp khó”, ông Thảo cho biết.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA, ở thời điểm đầu năm, Hiệp hội dự báo nửa cuối năm thị trường của ngành thép sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự báo trên có thể hơi lạc quan, vì quý III thường trùng vào mùa mưa bão và có tháng cô hồn – tháng 7 âm lịch thông thường ít công trình dân dụng khởi công, nên hy vọng đầu quý IV, nhu cầu sẽ tăng.

Tổng Thư ký VSA Đinh Quốc Thái nhìn nhận, ngành thép chỉ được hưởng lợi gián tiếp bởi các công trình giao thông, bởi thép chỉ được sử dụng ở một số ít ở phần lan can cầu, đường. “Cái mà chúng tôi kỳ vọng lớn nhất là cầu cạn cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ sớm được khởi công, giúp tăng nguồn nhu cầu cho ngành thép”, ông Thái cho biết, đồng thời nhấn mạnh, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản, nhà xưởng.

Nguồn tin: Vnbusiness