GIÁ THÉP TRONG NƯỚC TIẾP TỤC ỔN ĐỊNH, TRIỂN VỌNG KHÓ BỨT PHÁ TRONG CUỐI NĂM

Từ sau đợt điều chỉnh giá vào ngày 12/10, giá thép đã không có biến động cho đến nay. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường sẽ khó có sự bứt phá mạnh trong giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.500 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.600 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.510 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.720 đồng/kg.

Ảnh minh hoạ.

Thép Việt Đức, với 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.350 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.660 đồng/kg.

Thương hiệu thép VAS, với thép cuộn CB240 ở mức 14.310 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.410 đồng/kg.

Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng ghi nhận giá thép trong nước không có biến động. Trước ngày 12/10, giá thép đã biến động 3 lần chỉ trong khoảng thời gian ngắn do tình hình thị trường trên thế giới giữ ổn định.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá phôi thép và thép thanh châu Á giữ ổn định vào ngày 14/11 khi những người tham gia thị trường đánh giá lại thị trường sau khi giá tăng đột biến vào ngày 11/11 và các đồn đoán đã giảm. Tình hình cung cầu ổn định dẫn đến giá đi ngang trong ngày.

Giá thép cây BS4449 loại 500 16-32 mm ở mức 579 USD/tấn CFR Đông Nam Á, không đổi. Thép cây loại BS500B đường kính 16-20 mm xuất khẩu của Trung Quốc được đánh giá ở mức 575 USD/tấn FOB Trung Quốc, cũng không thay đổi.

Hợp đồng thép thanh giao tháng 1/2023 được giao dịch tích cực nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa ở mức 3.648 Nhân dân tệ/tấn (517 USD/tấn) vào ngày 14/11, tăng 11 Nhân dân tệ/tấn trong phiên. Thị trường phôi thép cũng ổn định, với mức giá giao dịch 515 USD/tấn CFR Manila và giá thầu dự kiến vẫn dưới mức 500 USD/tấn CFR Manila.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, nhìn chung triển vọng thị trường năng lượng và kim loại sẽ khó có sự bứt phá mạnh trong giai đoạn cuối năm nay khi đang chịu nhiều sức ép lớn về yếu tố vĩ mô cũng như cán cân cung cầu. Bức tranh tiêu thụ kém sắc của nhà tiêu thụ dầu thô và kim loại hàng đầu thế giới Trung Quốc trước các tác động của dịch bệnh vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép tới giá các mặt hàng này. Do đó, nhiều khả năng giá sẽ khó thoát khỏi vùng đi ngang trong giai đoạn cuối năm.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị