Dự báo nhu cầu tiêu thụ cuối năm sẽ phục hồi, cơn sốt giá thép liệu có lặp lại?

Trong khi việc tiêu thụ nội địa khó khăn vì dịch bệnh thì ngành thép đã có sự cân đối linh hoạt bằng hoạt động xuất khẩu. Với dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ khả quan liệu mặt bằng giá thép trong nước vào những tháng cuối năm có được đà tiếp tục lên cao?
Xuất khẩu sắt thép tăng bất ngờ giữa lúc dịch bệnh bủa vây

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.

Còn so với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.

thép - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. 

Chia sẻ với người viết về nguyên nhân khiến xuất khẩu sắt thép tăng trưởng sáng sủa trong tháng 8 vừa qua, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình xây dựng buộc phải tạm thời hoãn lại đặc biệt tại khu vực phía Nam, cùng với đó là chuẩn bị bước vào mùa mưa khiến cho việc tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn.

Cụ thể, theo số liệu của VSA, tình hình sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại của các thành viên hiệp hội đều giảm sút trong tháng 8 với sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, giảm 1,9% so với tháng 7 và chỉ tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020.

Bán hàng thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước và giảm 8% so với tháng 8/2020.

Trong đó, sản xuất và bán hàng thép xây dựng gần như thấp nhất trong 5 năm gần đây. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8 đạt gần 714.000 tấn, giảm hơn 2% so với tháng 7 và giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2020. 

Bán hàng thép xây dựng chỉ đạt gần 559.500 tấn, giảm mạnh 29,3% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu tiêu thụ cuối năm sẽ phục hồi nhưng giá thép sẽ không còn nóng như trước - Ảnh 2.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 8/2021 gần như thấp nhất trong 5 năm gần đây. (Nguồn: VSA)

Đại diện VSA cho hay trước thực tế này, các doanh nghiệp trong ngành đã phải tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Và điều kiện giúp việc xuất khẩu thuận lợi trong tháng 8 vừa qua là do Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như CPTTP, EVFTA để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu sang các nước như châu Âu, Mỹ…

Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc về môi trường đã cắt giảm sản lượng nguồn cung của nước này và chính sách bãi bỏ hoàn thuế xuất khẩu khiến cho giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh hơn với các nước trong khu vực.

“Các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh xuất khẩu, giữ mối quan hệ và mở rộng thị trường cùng với sự chủ động trong nguồn cung ứng nguồn HRC trong nước cũng tạo điều kiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có xuất xứ hàng hóa rõ ràng và thuận lợi xuất khẩu”, đại diện VSA chia sẻ.

Tính đến hết tháng 8 năm 2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá thép cuối năm sẽ không tăng đột biến?

Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành hàng trong những tháng cuối năm, đại diện VSA cho rằng với kịch bản các tỉnh thành phía Nam dần mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ thép có khả năng được phục hồi, dự kiến giá cả cũng có điều chỉnh nhưng sẽ không tăng đột biến.

“So với thời điểm quý III/2020, thì mặt bằng giá hiện tại cũng đã ở một mức cao mới sau đợt điều chỉnh giá nguyên liệu sản xuất thép kể từ cuối năm 2020.

Hiện tại, giá quặng sắt giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận của các nhà máy thép tăng mạnh hơn, mặc dù giá than luyện cốc vẫn tăng. Giá thép theo đó sẽ có thể điều chỉnh tăng nhưng chắc chắn tốc độ sẽ chậm lại”, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam nhận định.

Thực tế, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 9 tháng trong ngày 15/9 khi sản lượng thép của nhà sản xuất hàng đầu thế giới này tiếp tục giảm, cùng với đó là mối quan ngại về nhu cầu nguyên liệu thô này, theo Reuters.

Cụ thể, giá quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2022, giảm 4,3% xuống 683 nhân dân tệ/tán (tương đương hơn 106 USD/tấn), thấp nhất kể từ ngày 9/12/2020.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sản lượng thép thô hàng tháng của nước này giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống 83,2 triệu tấn trong tháng 8, đưa sản lượng trung bình hàng ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong khi đó, giá than cốc vẫn tăng do nguồn cung vẫn khan hiếm. Giá than cốc giao sau tại Đại Liên tăng hơn 1% lên gần 2.800 nhân dân tệ/tấn và than luyện cốc tăng nhẹ 0,8% lên hơn 3.400 nhân dân tệ/tấn. Sản lượng than cốc của Trung Quốc trong tháng 8 ở mức 39,7 triệu tấn, giảm 5% so với tháng 8 năm 2020.

Tại thị trường trong nước, báo cáo của VSA cho thấy mặt bằng giá thép xây dựng dù vẫn khá cao so với cùng kỳ các năm trước nhưng diễn biến tăng đã có xu hướng sụt giảm trong tháng 8.

Cụ thể, với mức giá 16.200 đồng/kg giá thép xây dựng tháng 8 vẫn tăng hơn 47%% so với tháng 8 năm ngoái ở mức khoảng 11.000 đồng/kg.

Tuy nhiên so với tháng cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay ở mức 17.200 đồng/kg ghi nhận trong tháng 6 vừa qua thì hiện giá thép xây dựng giảm khoảng 6%.

Nhu cầu tiêu thụ cuối năm sẽ phục hồi nhưng giá thép sẽ không còn nóng như trước - Ảnh 2.

Nguồn: VSA

Phân tích cụ thể lý do giá thép trong nước sẽ tăng chậm trong quý IV, lãnh đạo VSA cho rằng diễn biến giá sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường nhưng từ giờ đến cuối năm còn khoảng 3 tháng, dù các doanh nghiệp có đẩy mạnh thực hiện các dự án lớn thì việc giải ngân cũng không thể khởi động nhanh. 

Trong khi đó, động lực sản xuất và tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam vẫn còn phụ thuộc vào kế hoạch phục hồi sau thời gian giãn cách nên sẽ phải mất một thời gian để bắt đầu lại.

“Nếu các tỉnh đồng loạt bỏ giãn cách và mở cửa trở lại vào cuối tháng 9 thì mới có khả năng phục hồi nhanh trong năm nay, tuy nhiên quý IV này gần như chỉ là tạo đà vì các hoạt động cần một bước đà để quay lại nhịp độ bình thường nên về nhu cầu sẽ không tăng được nhanh. 

Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng được nhu cầu tiêu thụ đang cao của thế giới để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu”, đại diện VSA cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất được khoảng 70%, năng lực sản xuất không được phát huy hết, trong khi sự chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân công có một độ trễ nhất định nên về nguồn cung không thể phục hồi nhanh.

Trong khi đó, cầu cũng khó thể vượt nhanh khi các công trình xây dựng tại các địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam sẽ không dễ dàng tập trung đủ lực lượng nhân công sau thời gian người lao đồng di tản về quê tránh dịch.

“Do đó, kỳ vọng phải đến quý I/2022 mới có thể dần phục hồi và nếu kịch bản chống dịch tốt thì nhu cầu tiêu thụ và sản xuất của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn trở lại vào giữa năm sau, từ đó diễn biến giá thép sẽ có nhiều điều chỉnh đáng chú ý”, đại diện VSA dự báo.

Nguồn: Vietnambiz.vn